Tưởng Niệm

Vậy mà ta cũng đã đi gần được nửa cuộc đời rồi. Thời gian thoăn thoắt như cánh chim bay, chẳng chờ đợi một ai.

Ngồi một mình trong bóng đêm, nghe giọng hát Sĩ Phú như từng giọt rượu rót vào trong lòng. Ta khẽ châm điếu thuốc, chầm chậm đưa lên môi. Thật lạ là những người đã đến và đi khỏi cuộc đời ta đều ghét ta hút thuốc. Vẫn biết thuốc lá không tốt cho sức khỏe, nhưng thuốc lá đắng và khét, như chính cuộc đời ta. Ta đang cảm nhận những cảm xúc rất thật của cuộc đời mình.

Thỉnh thoảng ta lại khẽ trở mình, vì một vài vết thương lòng lại hiện về, đau nhói… Mắt Biếc năm xưa nay đâu? Ta lặng nhìn trái tim ta, chằng chịt nhiều vết thương của cuộc sống và tình yêu. Có những vết thương đã liền sẹo, có những vết thương vừa kịp lên da non, và có cả những vết thương hãy còn đang rỉ máu. Cứ mỗi vết thương vừa kịp lành, một vết thương khác lại khắc vào. Đó có lẽ là số phận của cuộc đời ta chăng?

Kể từ ngày ta cất tiếng khóc chào đời, có bao giờ lòng ta thực sự bình yên chưa nhỉ? Có lẽ là có rồi, mà cũng có lẽ chưa bao giờ. Những kỷ niệm thời thơ ấu chợt ùa về. Ta thấy ta đang sống hạnh phúc, sung sướng, đầy đủ, sung túc và ấm áp trong gia đình của mình. Vậy mà… Cuộc đời là như vậy đó, chẳng ai có thể biết trước được chữ ngờ. Ta nhớ những lúc ta phải nhịn đói đi học. Ta nhớ những lúc ta ngất xỉu trên lớp vì đói. Ta nhớ lúc cô chủ nhiệm gọi ta ra khi ta đang học, chỉ để ôm chầm lấy ta và khóc, vì biết tất cả những gì ta đang phải chịu đựng. Ta nhớ những lúc những người bạn cũ của cha ta ngoảnh mặt đi, khi ta lễ phép chào. Ta vẫn còn nhớ những lời nhục mạ mà họ dành cho cha ta và ta. Chỉ cách đó không lâu thôi, họ vẫn còn đến nhà ta, uống trà, đọc sách và đàm đạo cùng cha ta cơ mà? Ta vẫn còn nhớ những khoảnh khắc những người đã đến và đi khỏi cuộc đời ta, vì cảm thấy tủi thân khi phải ở bên cạnh ta, với gia đình hoạn nạn của ta.

Vậy đó, cuộc đời này đã dạy ta quá nhiều điều, cuộc đời đem lại cho ta nhiều trái đắng, cho ta những bài học mà có khi ta có sống thêm kiếp nữa cũng chưa chắc có cơ hội được học. Có ai đó đã nói: Chúng ta không chọn được nơi chúng ta sinh ra. Nhưng nếu như có kiếp sau, ta vẫn mong được sinh ra trong gia đình hiện tại của ta. Chính vì vậy, ta mới hiểu được rằng ranh giới giữa giàu nghèo là thật mong manh, ta mới hiểu được rằng ranh giới giữa hạnh phúc và đau khổ thật quá mong manh. Giàu đó, rồi nghèo đó. Hạnh phúc đó, rồi cũng khổ đau đó.

Ta sống nhiều với cảm xúc của mình. Có lẽ chính vì vậy, mà tâm hồn ta nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Nhưng ta chưa bao giờ hối tiếc với tất cả những gì ta đã trải qua. Ta đã dâng tặng cuộc sống và tình yêu tất cả những gì mà ta có. Dù hạnh phúc, niềm vui mà ta đã có thật mong manh và ra đi nhanh như cơn gió thoảng để lại buồn đau và những niềm riêng chôn dấu, ta vẫn sẽ tiếp tục sống với cảm xúc của mình. Ta vẫn sẽ sống hết với tất cả những gì ta có với cuộc đời và tình yêu. Sau tất cả những gì ta đã trải qua, ta thấy mình vẫn xứng đáng có được hạnh phúc và yêu thương. Ta vẫn luôn mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ.

Vậy thôi đó, hôm nay ta tưởng niệm quãng đường dài gần một nửa cuộc đời của ta.

Thôi thì, ta khép lại một quãng đời
Thôi thì, ta phải bỏ lại phía sau những thứ không thuộc về ta
Thôi thì, ta phải tiếp tục bước về phía trước
Thôi thì, ta đi tìm số phận của ta…

Nhạc tắt, rượu hết, thuốc cũng đã tàn như đêm trắng. Ngoài kia, hình như bình mình đang vẫy gọi ta lên đường. Chuyến đi tìm lại cuộc đời ta…

Đêm nay, ta đi gần hết nửa cuộc đời…

Philip Hung Cao
#tekfarmer

Giải Trí: Truyện Thỏ Bông

Bạn tôi, vợ về quê thăm mẹ. Anh ở nhà, vào đúng ngày chủ nhật, thì buồn. A lô cho một người bạn, và cả hai đi mát-xa.

Cô gái làm mát-xa cho anh rất xinh, mặt tỉnh bơ, vừa làm vừa kể chuyện cười. Cô kể chuyện Chị thỏ bông đi lạc.

“Chị thỏ bông có chồng là anh thỏ bông. Một hôm chị thỏ bông đi vào rừng tìm cà rốt. Lúc quay trở ra thì bị lạc. Chị đi một đoạn thì gặp anh thỏ trắng. Chị hỏi, đường về nhà tôi là đường nào. Anh thỏ trắng bảo, ‘muốn biết thì ở lại đây đêm nay’. Chị thỏ bông đành ở lại.

“Ngày hôm sau, chị đi tiếp, mãi vẫn không thấy đường. Chị nhìn thấy anh thỏ nâu. Chị hỏi, đường về nhà tôi là đường nào. Anh thỏ nâu nói, ‘muốn biết thì ở lại đây đêm nay’. Chị thỏ bông cắn răng ở lại đấy một đêm.

“Hôm sau nữa, chị đi tiếp. Vẫn lạc đường. Lần này thì gặp anh thỏ đen. Chị đến hỏi, đường về nhà tôi là đường nào. Anh thỏ đen cũng nói, ‘muốn biết thì ở lại đây đêm nay’. Chị thỏ bông tặc lưỡi ở lại. Sáng hôm sau, chị tỉnh dậy, và lên đường. Đi được một đoạn thì thấy anh thỏ bông đang đánh răng trước cửa. Chị về nhà được hai hôm thì biết mình có mang.”

Cô mát-xa đố: “Em đố anh, con của chị thỏ bông sẽ có màu gì ?”

Bạn tôi đoán, cà phê sữa bông, khoang đen bông…, mãi cũng sai, đành hỏi cô.

Cô bảo: “Muốn biết thì ở lại đây đêm nay”. Đương nhiên là bạn tôi không phải thỏ bông nên không ở lại. Chỉ cười khà khà, tí sau rút ví ra, cho tiền boa, và về kể tôi nghe, tấm tắc khen mãi cô gái mát-xa tinh ranh làm anh buồn cười – cái việc mà cả mấy năm nay vợ anh không làm được.

Thưa chị em phụ nữ,

Không làm chồng cười được là một cái tội rất to. Nó khiến cho chồng các chị phải đi tìm nụ cười ở những nơi khác. Và đó là một cái quyền của đàn ông.

Cái này không phải là mình tôi nghĩ ra và phát ngôn. Mà điều này, báo (dành cho phụ nữ) nào cũng có nói . “Khi anh ấy có người khác, bạn hãy xem lại mình” Nghe như một châm ngôn.

– Bởi vì các chị không biết kể chuyện chị thỏ bông, cho nên các anh ấy phải đi nghe người khác kể lại câu chuyện ấy.

– Bởi vì các chị không biết mát-xa, cho nên các chị không thể cấm các anh đi mát-xa.

– Bởi vì các chị không biết quá nhiều thứ nên các anh phải đi lấy kiến thức từ nơi khác.

– Bởi vì các chị biết quá nhiều thứ nên các anh sẽ đi phổ biến kiến thức cho nơi khác.

– Bởi vì các chị quá hiền,

– Bởi vì các chị quá dữ,

– Bởi vì các chị quá ngăn nắp,

– Bởi vì các chị quá bừa bộn…

Kiểu gì, như báo đã nói, cũng là lỗi của các chị thôi.

Và báo (có lẽ đã ăn hối lộ của đàn ông) mà đề cao quá sức cái công dung ngôn hạnh, gần như đặt hẳn các chị lên bàn thờ, khiến các chị không leo xuống được để đấu tranh bình đẳng với đàn ông, cho nên các chị đành ở đó mà vui vầy với bếp núc cùng con cái.

Trong khi đó,

Thưa các chị,

Một món quà nhân ngày phụ nữ mà tôi muốn tặng cho các chị, dù mở ra các chị có thể nhăn mặt, thấy vô đạo đức, gói lại không nhận, là phần phân tích sau vụ việc chị thỏ bông vừa qua để các chị biết thực lực các chị đến đâu:

1. Các chị dễ rơi vào tình huống “chị thỏ bông” hơn các anh

Có lẽ, chẳng ai nói cho chồng các chị biết rằng: phụ nữ có khả năng sa ngã hơn đàn ông rất nhiều. Lại không phải kiểu sa ngã ăn-bánh-trả-tiền-một-lần-rồi-quên như đàn ông, mà đây là sa ngã tinh thần, thương thương nhớ nhớ mà chồng các chị có biết thì chỉ có nát tim gan. Không báo nào răn đe người đàn ông, rằng nếu anh cứ để bụng bia đi lại nghênh ngang trong nhà mà quăng quật vợ, thì vợ anh, tuy cúi mặt hiền thục nấu ăn trong bếp cho anh đó, nhưng tâm trí là hướng về người khác rồi; chỉ rất may cho các anh, rằng chị đã ở cái thế “bàn thờ” của phụ nữ Á Đông, nên ít khi để cho mọi việc đến nơi đến chốn, chứ còn không thì…

2. Luôn có những người khác mà chị không biết

Chị thỏ bông chỉ cần đi ra đường cũng đã thấy muôn sắc thỏ đón chào mình. Anh thỏ bông có thể thấy vợ là nhàm, nhưng những anh thỏ khác thì không thế.

Các chị cũng thế, để ra một ngày nhìn quanh mình đi, rồi các chị sẽ thấy, nếu các chị bật đèn xanh, sẽ có vài người đàn ông mong được các chị cười với họ một cái, hay ăn một bữa cơm của các chị nấu, hay được các chị xoa đầu.

Lâu nay các chị vẫn được giáo dục trở thành một bông hồng duy nhất cho một người duy nhất. Đó hình như là chiến lược của cánh đàn ông. Đàn ông không nói với các chị rằng, n�
��u càng nhiều người ngắm, thì họ càng quý bông hồng của mình. Không đời nào họ nói như thế. Họ chỉ muốn an toàn, nên cố hướng dẫn các chị nở mãi một cách, tỏa hương mãi một loại; loại nào, cách nào công dung ngôn hạnh tiết liệt nhất. Thế rồi sau đó, khi đã đúc được chỉ thành hoa nhựa rồi, họ lại chỉ muốn tìm đến những bông hoa dại biết kể chuyện thỏ bông.

Thường bao giờ họ cũng bắt các chị lựa chọn: hoặc là hoa dại và không có anh ấy, hoặc là thành hoa nhựa và có anh ấy; các chị sẽ chọn ngay con đường hoa nhựa.

Các chị không biết, rằng nếu các chị cứng đầu làm hoa dại, thì các chị sẽ không mất gì cả, mà còn kích thích người ta giữ các chị lại hơn.

3. Gia đình còn hay mất là do đạo đức các chị

Chị thỏ bông có khả năng đi ba đêm về mà anh thỏ bông vẫn không biết, và trên đường có rất nhiều anh thỏ đen, nâu, trắng sẵn sàng rủ chị phiêu lưu. Cái gia đình thỏ bông thật ra còn hay mất là do chị, do đạo đức của chị đến đâu. Chị thỏ bông hoàn toàn có thể tạo ra những vụ việc đi lạc lần nữa để phiêu lưu mà chẳng mất gì. Nhưng trời phú cho chị thỏ bông (cũng như cho các chị em phụ nữ) cái khả năng nghĩ về đạo đức rất mạnh, cho nên anh thỏ bông mới còn vợ nhai cà rốt với mình.

Tóm lại:

Sau vụ việc chị thỏ bông này, hẳn các anh đã thấy mình cũng cần cảnh giác mà giữ vợ ?

Bởi vì con đường hư hỏng của phụ nữ không cần mất công như các anh đâu. Theo một thống kê mật, những lời đề nghị của phụ nữ được chấp nhận tới 8/10, trong khi đàn ông chỉ có 1,5/10 mà thôi.

Bình đẳng với phụ nữ là cho họ biết vũ khí mà họ có, và để họ tùy nghi sử dụng sau khi đã cân nhắc được mất.

Hôm nay, nhân vụ chị thỏ bông, tôi lấy lại chút bình đẳng cho các chị. Còn bây giờ, tôi phải đi. Có người đang đợi tôi để hỏi: muốn làm hoa dại hay hoa nhựa.

Tôi nghĩ kỹ rồi. Tôi chỉ hung hăng thế thôi. Để không mất anh ấy, tôi sẽ làm hoa nhựa.

Sưu tầm

“Dị nhân Benjamin”: Thời gian của đời người

(TNTS) Dị nhân Benjamin, đúng hơn, là câu chuyện về thời gian kiếm tìm ý nghĩa và giá trị của đời người. Và những giải Oscar nào sẽ được trao tặng cho câu chuyện được kể rất xuất sắc đó, trong ngày 22.2 này?

Sẽ ra sao, nếu chúng ta đảo ngược vòng đời mình lại, sẽ khởi đầu như một cụ già 80 với đầy đủ các hiện tượng lão suy và kết thúc như một đứa trẻ sơ sinh với trí óc sạch tinh bởi chứng Alzheimer?

Có như lời của Mark Twain: “Cuộc sống sẽ chắc chắn vui vẻ hơn nếu chúng ta có thể sinh ra ở tuổi 80 và dần dần đi đến tuổi 18” – một khởi đầu buồn bã đi dần đến cái kết tươi vui? Có thật sự vui vẻ hơn không khi chúng ta mang trong mình một mối mâu thuẫn lớn: trong thể xác cằn cỗi là tâm hồn, trí óc tươi non và trong hình hài tươi non là trí óc, tâm hồn cằn cỗi? Liệu cuộc sống của chúng ta có ý nghĩa hơn không khi mình có một vòng đời “ngược chiều” với đồng loại của mình?

Tưởng là không ăn nhập, khi bộ phim The Curious Case Of Benjamin Button (Dị nhân Benjamin) vào đề bằng câu chuyện của người đàn ông dành cả đời mình để chế tác nên chiếc đồng hồ chạy ngược trước khi bắt đầu câu chuyện về Benjamin. Benjamin, người đàn ông sinh ra trong hình hài của ông lão và cứ càng sống càng trẻ ra, trẻ dần cho đến non dại thì kết thúc.

Nhưng, đấy là một ẩn dụ hình ảnh chuyển tải trọn vẹn thông điệp của các tác giả: cũng như chiếc đồng hồ ấy, đời người là một vòng tròn, dù nó bắt đầu từ điểm trên đỉnh hay dưới đáy, thì nó cũng sẽ đi qua tất cả những con số/cột mốc trên hành trình và rồi sẽ kết thúc nơi điểm mút của sự sống.

Tác giả câu chuyện nguyên tác Fitzgerald đã chọn một cách đặt vấn đề khác thường, một giả thuyết lật ngược để nói về đời người, về cuộc sống và cái chết lồng trong câu chuyện ly kỳ của nhân vật Benjamin, từ đó, tạo nên những suy ngẫm, trầm tư.

Cách đặt vấn đề của tác giả thoạt trông u ám, nặng nề nhưng thực ra, bộ phim không tẻ ngắt như dạng phim luận đề vẫn thường hay thế. Có những nỗi kinh ngạc, có những tiếng cười, có những giọt nước mắt cùng những phút lặng đi. Mọi thứ trôi qua tự nhiên trong một nhịp điệu không vội vã, không dồn nén, không cường điệu, như cuộc đời vậy.

Tuổi thơ, sự thanh xuân thỉnh thoảng xuất hiện ngang qua như một sự điểm xuyết (và được đẩy lên đến đỉnh điểm tạo nên cao trào của bộ phim, như một bản hoan ca, vào đoạn giữa cuộc đời của Benjamin, lúc anh ở vào lứa tuổi thanh niên – khi thể xác hòa cùng nhịp điệu với tâm hồn, trí tuệ) còn lại là một màu trầm tối của tuổi già, của những cái chết tiếp theo nhau (chết như một sự an nghỉ hay đôi khi trong nỗi kinh hoàng), nhưng không vì thế mà khiến người ta tuyệt vọng về cuộc sống này.

Hãy nhìn cái chết như một lẽ tự nhiên trong nỗi ngậm ngùi, thế là đủ. Như một cuốn phim xưa cũ đã cho nhân vật của mình nói trước khi nhắm mắt: “Đã đến lúc phải nói lời vĩnh biệt, nhưng… cuộc đời đẹp quá”!

Mặc cho ý chí chủ quan của ta, cơ thể vẫn không thể chống lại chu kỳ sinh học của nó. Benjamin trở lại là đứa trẻ sơ sinh, chết trong vòng tay ôm ấp của người tình giờ đây đã là một bà già, là cái kết đẹp, gây xúc động mạnh, gợi nhiều suy tưởng (có thể là ao ước)…

Ai đó có thể nhìn bộ phim sâu xa hơn dưới khía cạnh của một mệnh đề triết học, thì họ vẫn có thêm những chiêm nghiệm cho mình. Nhưng ngay cả với những khán giả tiếp nhận bộ phim đơn giản như câu chuyện về cuộc đời của một con người, thì Benjamin vẫn tạo nên những cú chấn động, âm thầm khai mở trong họ một thái độ khác (sự trân quý, có lẽ vậy) khi nhìn về cuộc đời này.

Như cách bộ phim đã làm được cho diễn viên của mình, Brad Pitt: “…Những gì xảy ra với tôi trong bộ phim này đã dạy tôi rằng rất có thể mình sẽ không ở cạnh người yêu mình lâu nữa, và tôi cũng có thể rời xa các con mình bất cứ lúc nào, bỏ lại những người bạn thân, những người tôi yêu mến và tôn trọng. Vì vậy, nếu tôi gắt gỏng, nếu tôi giận hờn, tôi cau có, tôi sẽ mất đi tất cả trong chớp mắt. Tôi không muốn phí thời gian để làm tổn thương người tôi yêu quý. Người ta vẫn nói gừng càng già càng cay, và trí tuệ, sự khôn ngoan, điềm tĩnh sẽ đến cùng tuổi tác. Vì thế tôi luôn muốn tận hưởng và đón chờ những ngày tháng trước mắt“.

Viễn Dương

Vì sao đàn ông thích được yêu?

(Dân trí) – 6 lý do sau có thể sẽ khiến bạn, một người phụ nữ, ngạc nhiên đấy. Rồi bạn sẽ phải gật gù rằng: “Hóa ra đàn ông không được “sắt đá” như mình tưởng”.

Cảm giác đủ tự do để được làm chính mình

Sống trong tình yêu, đàn ông trở thành một người rất khác so với mình trước đó. Mỗi khi ra ngoài tụ tập với các chiến hữu, đàn ông dù cảm thấy rất vui vẻ, bạn hãy tin rằng đó chỉ là cảm giác nhất thời.

Mỗi người trong số họ đều mong có ai đó để được gặp mỗi đêm. Không chỉ vì chuyện thể xác, mà còn vì những điều ý nghĩa, thiêng liêng hơn như sự quan tâm, chăm sóc. Đàn ông cần ai đó có thể đón nhận con người thật của anh ấy, thích tính cách của anh ấy, ai đó không bới móc lỗi lầm, trái lại, luôn tìm kiếm và khuyến khích những ưu điểm.

Người đàn ông một khi đang yêu và được là chính mình sẽ trở nên cực kỳ tự tin, bởi cảm giác được yêu và thấy mình đáng giá. Có một người phụ nữ bên cạnh không khác nào sự khẳng định chắc chắn rằng: Anh là người được chọn trong vô số những người đàn ông khác.

Khao khát trở nên tốt hơn

Đàn ông thích cả những thử thách trong tình yêu. Anh ấy biết mình cần nỗ lực nhiều hơn để nuôi dưỡng tình cảm mà hai người đang có. Tình yêu luôn khiến cho người đàn ông muốn tiến về phía trước, họ luyện tập thể hình để có vẻ ngoài lý tưởng hơn. Họ chẳng bao giờ muốn người phụ nữ của mình chạy theo ai đó khác. Và khi có được tình cảm tuyệt đối của cô gái mình mơ ước rồi, họ thấy như đang trên đỉnh cao chiến thắng.

Đàn ông tự hào khi mang cô gái của mình đến “khoe” với gia đình, bè bạn, như thể họ đang nói: “Nhìn xem tôi có gì này, hãy xem tôi là ai…”. Không phải ngẫu nhiên câu nói: “Em khiến anh muốn trở thành người đàn ông tốt hơn” được coi là lời tỏ tình bất hủ, phải không nào?

Đơn giản là có người thương để được nhìn thấy mỗi cuối ngày

Có chàng lại thích cảm giác háo hức chờ đến hết tuần để được bên người phụ nữ xinh đẹp, dịu dàng của mình, sẻ chia những điều lãng mạn. Đó là ngày tràn đầy hạnh phúc.

Ngay cả khi phải đi làm, họ cũng mong thời gian chóng quá, để được quay về với mái ấm, để được nhìn thấy vợ đã chờ sẵn ở nhà, với nụ cười rạng rỡ trên môi – đó là phần thưởng đáng giá nhất họ mong nhận được sau một ngày căng thẳng.

Được khiến cho người mình yêu hạnh phúc

Phái mạnh luôn muốn được là người che chở, mang đến hạnh phúc cho cô gái của mình. Chỉ cần biết mình có thể làm gì cho nửa kia, họ đã cảm thấy vô cùng tự hào, vui sướng và sẽ làm bằng được.

Trong một cuộc phỏng vấn của Ivillage với cánh mày râu, trước câu hỏi “vì sao đàn ông ra đi?”, lý do số 1 là: Bởi người đàn ông không cảm thấy mình có thể thỏa mãn, đáp ứng những nhu cầu của người phụ nữ trong mối quan hệ đó.

Như vậy có thể thấy, đàn ông cần được biết rằng họ đang làm tốt mọi việc, cần được công nhận những nỗ lực – họ muốn nghe lời ghi nhận ấy từ chính người phụ nữ.

Không còn cảnh “heo đói”

Không thể phủ nhận rằng, đàn ông thích được làm “chuyện ấy”. “Chuyện ấy” mà trơn tru, đàn ông sẽ cảm thấy yêu đời suốt cả trong tuần. Và chẳng gì khốn khổ cho bằng triền miên sống trong “chay tịnh”.

Với rất nhiều đàn ông, tình dục đơn giản mang lại cho họ cảm giác yêu và được yêu, được ngưỡng mộ và công nhận. Tình dục không khác gì thức ăn – một điều không thể thiếu.

Có người để chia sẻ cuộc đời

Đừng nói họ đa cảm, những người đàn ông cũng thực sự cần có ai đó chờ đợi mình ở nhà, đó là cảm giác sung sướng khi biết mình vẫn được đợi mong. Vợ hiền bên mâm cơm hay bạn gái bên điện thoại – đó đều là hình ảnh của hạnh phúc.

Đàn ông luôn biết rằng, còn được như thế có nghĩa là mình còn được quan tâm.

Huyền Anh

Theo Ivillage

English
Exit mobile version