Dr. Philip Cao

Stay Hungry. Stay Foolish.

Hôm nay bạn đã tự ôm mình chưa?

12 min read

Trước áp lực công việc và những khó khăn trong cuộc sống, trước những tổn thương mà ta có thể gặp do những mối quan hệ, có những lúc ta dường như đuối sức và bị lạc đường. Đôi khi lên Facebook bạn sẽ vẫn gặp những dòng status kiểu như “tôi là ai”, khổ chủ đang lạc lối nhưng người comment thì được dịp tha hồ chém gió (không tin bạn cứ thử).

Những lúc như thế bạn cần dừng lại… Nhưng trước hết hãy định hướng lại một số vấn đề:

“Hãy yêu thương chính mình”

(hãy đọc thật chậm phần này)

Đừng chỉ trích mình, bạn đã bị chỉ trích quá nhiều rồi. không ai nghĩ rằng mình là kiệt tác của Thượng đế, không ai nghĩ rằng mình là người không thể thiếu trên đời. Nếu bạn chỉ trích mình, kết án chính mình, làm sao bạn có thể phát triển, trưởng thành hay nâng niu quí trọng sự sống được?

Bạn chỉ có thể trở thành một phần của cái trọn vẹn khi mà bạn có sự quí trọng dành cho Thượng đế trong lòng. Thượng đế là khách mời, bạn là chủ nhà. Qua tình yêu dành cho chính mình bạn sẽ biết được điều này: Thượng đế đã chọn bạn làm nơi trú ẩn, khi đó, người đã quí trọng bạn, yêu thương bạn. Người không tạo ra bạn một cách vô tình, Người đã tạo ra bạn với một sứ mệnh nào đó, một tiềm năng nào đó, với niềm vinh dự nào đó mà bạn phải đạt được.

Đức Phật đã nói “hãy yêu thương chính mình”, đó là nền tảng. Hãy yêu thương mình một cách trọn vẹn rồi bạn sẽ phải ngạc nhiên. Ngày bạn có thể từ bỏ việc tự chỉ trích mình, việc tự bất kính mình, ngày bạn vứt bỏ những ý tưởng về tội lỗi, ngày bạn nghĩ rằng mình là một đối tượng quí giá và được cuộc sống yêu thương – đó sẽ là một ngày tràn ngập niềm vui sướng và bạn sẽ có được lòng từ bi đúng nghĩa. Đó sẽ là một suối nguồn yêu thương tuôn chảy tự nhiên.

Sự vị kỉ
Sự vị kỉ là gì? Điều cơ bản đầu tiên là quan tâm đến chính mình, thứ hai là luôn tìm kiếm niềm vui sướng cho mình. Bạn có thể phục vụ mọi người nhưng bạn làm điều đó vì bạn thích làm, vì cảm thấy vui khi làm điều đó. Bạn không thực hiện bất kì một bổn phận nào.

Một người quan tâm đến chính mình sẽ luôn tìm kiếm hạnh phúc. Đây là vẻ đẹp của nó, bạn càng tìm kiếm hạnh phúc thì bạn càng giúp mọi người thêm hạnh phúc. Nếu mọi người quanh bạn đều đau khổ, điều đó sẽ tác động đến bạn, sự đau khổ dễ lây lan như bất kì căn bệnh truyền nhiễm nào. Một người quan tâm sâu sắc đến niềm hạnh phúc của chính mình sẽ luôn quan tâm sâu sắc đến niềm hạnh phúc của mọi người (nhưng không phải là vì mọi người). Sâu thẳm trong lòng, anh ta chỉ vì chính mình, nhưng đó lại là lí do anh ta phục vụ mọi người, làm cho mọi người hạnh phúc.

Sự cầu toàn
Hôm nọ tôi tình cờ đọc được đâu đó câu nói này: Một người cầu toàn là một người ôm lấy mọi đau khổ và cho tặng mọi đau khổ. Kết quả là chúng ta có một thế giới tràn ngập đau khổ! Mọi người đều cố gắng trở nên hoàn hảo. Khi ai đó cố làm như vậy, anh ta bắt đầu mong đợi mọi người khác đều trở nên hoàn hảo. Anh ta bắt đầu chỉ trich mọi người. Vì anh ta không hoàn hảo, anh ta cũng đánh mất sự tôn trọng dành cho chính mình, anh ta cảm thấy tội lỗi. Chúng ta đã bị đầu độc bởi xã hội, với những ý tưởng đẹp đẽ như sự hoàn hảo.

Thiền định
Nếu muốn đạt tới được sự tĩnh lặng thật sự thì bạn nên học cách thiền định. Đó là trạng thái khi bạn gạt hết suy nghĩ sang một bên, suy nghĩ cũng như một công cụ vậy, khi nào không cần dùng thì ta cất đi. Ở trạng thái thiền định, bạn sẽ nhìn nhận thế giới này như thực tại của nó, thực tại chỉ có một, nhưng qua lăng kính của mỗi con người sẽ bị lệch đi, bạn chỉ nhìn cái bạn muốn nhìn, nghe cái bạn chú ý. Năm giác quan chỉ giúp bạn thu vào 2% của thực tại mà thôi.

Nhưng thiền định đòi hỏi nhiều luyện tập, và tất nhiên không phải ai cũng thích hợp với nó. Vậy thì chúng ta hãy thử xem cách người Mỹ làm, một thành viên của phong trào “một phút”:

“Phút nhìn lại mình”

“Trong cuộc sống có những lúc cần hướng về phía trước, suy nghĩ và chuyển động nhanh, có những lúc cần tĩnh lặng, nhìn lại và điều chỉnh.”

“Mọi thành công bên ngoài –trong công việc và cuộc sống-đều bắt nguồn từ sự thành công bên trong của một con người”

Thường xuyên dành ra một phút để suy ngẫm cũng như dừng lại vài chục giây ở đèn đỏ vậy, đó là một điểm dừng cần thiết và hữu ích trong cuộc sống. Ta có thể lựa chọn, đi tiếp hay đổi hướng, hay bất cứ điều gì khác mà ta cảm thấy tốt nhất cho mình.

Một phút trong yên lặng dài và hữu dụng hơn bạn nghĩ rất nhiều. Bạn phải làm gì trong một phút đó? Hãy quan tâm đến cái tôi của mình, trong tĩnh lặng, hãy xem xét những gì mình đã làm, sau đó, bạn sẽ dễ dàng xác định những gì bạn cần làm tiếp theo. Tĩnh lặng có nghĩa là hãy ngưng mọi suy nghĩ khác lại để lắng nghe tiếng nói bên trong mình. Hãy tự hỏi: liệu bạn có thể làm gì để giúp bản thân mình tốt hơn lúc này hay không?

Ngoài ra, hãy tự quan tâm mình, làm cho bản thân cảm thấy được chăm sóc. Bạn có thể đi dạo phố phường, đi mua sắm, thăm bảo tàng, dự hòa nhạc hoặc đi đến những nơi bạn chưa đến bao giờ. Ai cũng cần được yêu thương, nhất là bạn, những việc nhỏ bé tự quan tâm mình mỗi ngày là rất quan trọng trong hạnh phúc của bạn.

“Sự hòa hợp với tiếng nói nội tâm”

“khả năng tự lừa dối mình của con người là vô hạn”

Trước khi thực hiện một quyết định nào đó, bạn có thể dừng lại và tự hỏi: “Quyết định này là dựa trên yêu thương hay chỉ xuất phát từ sợ hãi?”. Bất cứ quyết định nào,nếu xuất phát từ sợ hãi, dù bạn có ý thức được điều đó hay không, đều tạo ra những ảnh hưởng không tốt. Vả lại, khi đưa ra quyết định, hãy chú ý tới những phần trong bạn không đồng tình với quyết định đó, những sự lưỡng lự, không nhất quyết về lí trí hay tình cảm. Đó chính là những dấu hiệu. Bạn phải dành thời gian trò chuyện với chính mình để giải quyết hết những mâu thuẫn đó.

Nếu bạn hay tự chỉ trích mình và thấy không hòa hợp với chính mình, bạn có thể cảm thấy như có 1 chủ thể khác, 1 tiếng nói bên cạnh cứ luôn phê phán tất cả những gì bạn làm “mày thật là ngốc nghếch/cậu thật là khờ”… Khi đó bạn có thể thử cách sau, hãy chuyển hướng tiếng nói ấy, cho nó phát ra từ lồng ngực bạn. Đừng dùng chủ ngữ là “mày, cậu” mà hãy dùng đại từ ngôi thứ nhất “mình”. Khi đó tiếng nói nội tâm sẽ bớt đi sự chỉ trích và hòa hợp hơn với bạn. Dù sao thì tốt hơn là bất cứ khi nào bạn định phê phán mình thì hãy dừng lại, những lỗi lầm không phải là chính bản thân bạn  – “stupid is as stupid does”. Không thể đánh đồng những gì chúng ta làm với chính bản thân chúng ta được

“Yêu và được yêu”

Có thể người ta luôn nghĩ rằng việc được người khác yêu thương sẽ hạnh phúc tới chừng nào! Nhưng bạn đã bao giờ thấy tình yêu của người khác dành cho mình là đủ không? Việc muốn được yêu sẽ làm cho hạnh phúc của chúng ta nằm trong tay người khác, như vậy ta lại bị phụ thuộc. Ta mong muốn được cha mẹ chăm sóc, được người yêu quan tâm, hỏi han… Nhưng nếu không nhận đủ như ta kì vọng, tất nhiên sự thất vọng sẽ tới, và ta cho rằng mọi người không hề quan tâm tới mình.

Cho nên, sống để yêu bao giờ cũng có ý nghĩa hơn là sống để được yêu. Bạn có thể làm một việc gì đó tốt hơn cho mình,bằng cách thể hiện tình yêu với mọi người chứ không đòi hỏi mọi người phải thể hiện tình yêu với mình nữa. Bạn sẽ ngạc nhiên vì kết quả nó mang lại.

“Hôm nay bạn đã tự ôm mình cái nào chưa?”. Điều thú vị là khi bạn “tự ôm mình một cái” thì bạn sẽ muốn ôm người khác. Nghĩa là để người khác có thể đặt tình yêu vào bạn thì trước hết, bạn phải tự yêu lấy mình cái đã. Khi bạn không dành cho bản thân mình đủ tình yêu thương thì những người khác cũng không có cách nào có thể thỏa mãn được những nhu cầu cơ bản bên trong bạn. Trong khi bạn đòi hỏi người này người kia giúp bạn thì thật ra, họ không thể. Chỉ có bạn mới có khả năng lấp đầy nỗi khát khao của mình. Còn nếu người khác giúp thì…không bao giờ là đủ cả.

Đã có lúc tôi nghĩ rằng cho bao giờ cũng tốt hơn nhận. Vì thế, tôi rất ngại nhận sự giúp đỡ từ người khác. Cho đi làm tôi thấy thoải mái hơn,còn nhận điều gì đó từ người khác, tôi lại cảm thấy hơi ngượng ngùng. Có lẽ vì tôi cảm thấy như mình đang làm phiền hay phải mang ơn người khác. Nhưng, lại một lần nữa thực tế đã chứng minh cho tôi thấy, phải có sự cân bằng giữa nhận và cho. Bởi vì không có người chịu nhận thì cũng không thể có người cho đi.

Câu trả lời luôn có sẵn bên trong bạn. Chỉ cần bạn thành thật với chính mình, chịu trầm tĩnh và lắng nghe.

——
Tài liệu tham khảo: Osho – nguồn cội, Phút nhìn lại mình, NLP – neuro linguistic programming.

Source: http://cafesang-cn.blogspot.sg/2011/04/hom-nay-ban-tu-om-minh-chua.html

Leave a Reply

Copyright © 2006-2024 Dr. Philip Cao. All rights reserved

Discover more from Dr. Philip Cao

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading