Dr. Philip Cao

Stay Hungry. Stay Foolish.

Yêu thôi, chưa đủ!

10 min read
Ai cũng biết, muốn có hôn nhân hạnh phúc trước hết phải có tình yêu. Vì vậy người ta dễ tin rằng cứ có tình yêu là sẽ có hôn nhân hạnh phúc. Thực tế, nhiều đôi yêu nhau thắm thiết vẫn nhanh chóng “tan đàn sẻ nghé”. Điều đó cho thấy, nếu chỉ có tình yêu, vẫn chưa đủ để thành vợ chồng.


Yêu cả đời?


Ngày nay, hầu hết các cuộc hôn nhân là tự nguyện và thường vẫn bắt đầu từ tình yêu. Thế nhưng tỷ lệ ly hôn không ngừng gia tăng, không chỉ ở nước ta mà cả trên thế giới, khiến người ta bắt đầu nghi ngờ sự bền vững của những cuộc hôn nhân chỉ có tình yêu.

Một công trình nghiên cứu Về ly dị và tái hôn ở Mỹ đưa ra con số: gần 50% những cuộc hôn nhân lần đầu đã kết thúc trong vòng 15 năm. Sau lần đổ vỡ ấy, có người tái hôn; nhưng số liệu về những cuộc hôn nhân lần thứ hai còn bi quan hơn: nhịp độ đổ vỡ cao gần gấp rưỡi lần thứ nhất. Trước những nỗi đau và mất mát vì đổ vỡ, nhiều người đã chọn chung sống không hôn thú. Nhưng sự thất bại của những cuộc “sống thử” còn cao hơn, 86% kết thúc bằng chia tay.


Tại sao hai người yêu nhau say đắm, chỉ muốn suốt đời được sống bên nhau mà lại khó đến vậy? Các nhà tâm lý phân tích, một trong những nguyên nhân chính khiến hôn nhân đổ vỡ là do chúng ta thường tin rằng, một khi hai người đã yêu nhau thì sẽ yêu đến suốt đời. Nhiều người lại chỉ tin vào những lời hứa, lời thề mà ít hiểu biết về những quy luật của tình cảm.

Thật ra, tình yêu, cho dù mãnh liệt, thiêng liêng cũng không nằm ngoài những quy luật đó, bởi nó cũng chỉ là một dạng tình cảm. Để có thể gắn bó suốt đời, vợ chồng không thể sống theo bản năng, mà phải biết cách nuôi dưỡng tình yêu để hấp dẫn nhau mãi. Nghĩa là, quá trình chung sống sau kết hôn không do tạo hóa “lập trình” sẵn, mà chúng ta phải nỗ lực tạo dựng. Nhiều thí nghiệm cho thấy, sau một thời gian chung sống, sức cuốn hút giữa hai người và sự nồng nàn của tình cảm cũng suy giảm.

Nhiều trí tuệ lớn của loài người đều cho rằng, ngôi nhà hạnh phúc phải được xây dựng trên nền móng tình yêu. Tình yêu sẽ giúp bạn vượt qua được những thử thách của cuộc sống vợ chồng. Song trong thực tế, chẳng ai có thể “mê như điếu đổ” một ai suốt đời. Bạn nên biết, con người ấy sẽ đổi thay và chính bạn cũng thay đổi.

Anh Quốc Hùng yêu cô Thu Sương cùng công tác ở một cơ quan của quận Hoàng Mai (TP Hà Nội). Ban đầu, sức cuốn hút của Thu Sương đối với Hùng không phải là nhan sắc, tài nội trợ mà chính ở khả năng chuyên môn của Sương. Ngoài những sở thích giống nhau, hai người còn tỏ ra ăn ý trong công việc và cả những lúc đi chơi. Tất cả những điều đó khiến Quốc Hùng đinh ninh mình sẽ sống hạnh phúc với Thu Sương suốt cả cuộc đời nên không ngần ngại kết hôn.

Nhưng, hai năm sau, khi đứa con đầu lòng ra đời, sức cuốn hút ban đầu suy giảm một cách tàn nhẫn, nhất là sau khi Hùng tính toán rằng đồng lương của vợ chỉ đủ chi phí cho việc trông con và thuê người giúp việc. Vì thế, Hùng thuyết phục Sương bỏ nghề, ở nhà làm nội trợ. Vậy là khả năng chuyên môn của Sương bị xếp xó, trong khi chính điều đó từng là động lực thúc đẩy họ kết hôn.

Một nguyên nhân quan trọng khác khiến hôn nhân đổ vỡ là tính mục đích của nó. Đã có bao giờ bạn nghĩ, ta kết hôn để làm gì? Nếu chỉ để yêu thì có thể không cần kết hôn. Nếu để được chung sống với người cộng sự thân thiết và có điều kiện giúp đỡ nhau trong công tác thì sao bạn lại biến vợ thành người nội trợ? Nếu bạn muốn có cô vợ xinh đẹp để hãnh diện với mọi người, sao bạn lại chê cô ấy không được thông minh? Nếu bạn lấy chồng vì anh ta có ngôi nhà đẹp, sao bạn lại ca thán vì anh ta không lãng mạn như một nhà thơ? Khác nào bạn mua cái mũ để đội nhưng lại than phiền vì nó không thể dùng để cắm hoa.

Vậy mà, những chuyện nực cười như thế vẫn thường xảy ra trong hôn nhân, khiến người ta thất vọng.


Chấp nhận nhau


Tình yêu thường phát sinh trên cơ sở hai người hợp nhau về nhiều mặt, là sự tiếp cận của hai thế giới phức tạp. Hai thế giới ấy có rất nhiều điểm khác nhau, những điểm ấy có tiếp cận được nhau hay không sẽ quyết định số phận của tình yêu.

Nhưng, khi chung sống với nhau, sự đồng điệu của hai tâm hồn lại thường gây ra buồn tẻ. Đời sống vợ chồng đòi hỏi phải có sự bù đắp cho nhau, cái mà người này không có lại tìm thấy ở người kia và họ ghép lại thành một đôi hoàn chỉnh. Bí quyết chung sống hạnh phúc không phải là “đồng hóa” nhau mà là biết chấp nhận sự không giống nhau ấy.

Khi yêu đương, tìm hiểu, người ta nhìn “đối tượng” qua một cặp kính thần. Nó phóng đại những ưu điểm lên hàng trăm lần và thu nhỏ những khuyết điểm cũng hàng trăm lần. Đến khi tình yêu suy giảm, “bà Tiên” lại thu mất cặp kính thần và ta lại nhìn người bạn đời đúng như con người thật của họ. Đó là chưa kể có trường hợp, còn soi ngược lại, phóng đại khuyết điểm và thu nhỏ ưu điểm lại khiến ta càng thất vọng hơn.

Kết hôn với người nào là lấy “trọn gói” con người đó, cả ưu và khuyết điểm của họ. Sai lầm của nhiều đôi vợ chồng trẻ là chỉ yêu ưu điểm. Có người luôn miệng chê bai và buộc đối tượng phải thay đổi theo ý muốn của mình. Đó là điều hoang tưởng. Chúng ta nên biết, khi tính cách con người đã định hình thì rất khó thay đổi.

Cô Thùy Linh (phố Hàng Bông, Hà Nội) lấy anh chồng họa sĩ. Khi yêu, cô rất thích ngồi xem anh vẽ. Những lúc tìm màu, anh như người lên đồng, vớ được cái gì pha màu vào cái đó. Từ bát đĩa, ly uống nước, thậm chí cả sàn nhà… chỗ nào cũng có thể pha màu. Lúc ấy, Linh cho đó là tác phong “nghệ sĩ” đáng yêu. Nhưng sau khi kết hôn, Linh gọi đó là cuộc sống… man rợ, không thể chấp nhận. Cô buộc anh phải gọn gàng, nền nếp. Thế là cãi nhau.

Lẽ ra người chồng phải tự thay đổi mình ít nhiều cho phù hợp với
mong muốn của vợ, và người vợ cũng phải chấp nhận trong chừng mực nào đó tính “nghệ sĩ” của chồng. Nghệ thuật chung sống hiện đại không phải là bắt người bạn đời phải biến đổi để mình khỏi phải biến đổi, mà là cố gắng chấp nhận nhau.

Có người nhìn những đôi vợ chồng hạnh phúc, cứ nghĩ họ may mắn tìm được người hòa hợp với mình. Thực ra không bao giờ có hai con người hoàn toàn hòa hợp với nhau. Họ sống êm ấm được vì biết chấp nhận nhau, biết tự biến đổi mình cho phù hợp với người bạn đời. Cho nên, ai có tính năng động, dễ thích nghi với hoàn cảnh mới, người đó có nhiều cơ may hạnh phúc hơn. Ai bảo thủ, tự cao tự đại, cho mình là khuôn vàng thước ngọc bắt người kia phải theo thì càng dễ thất vọng.

Có thể nói, tình yêu là điều kiện “cần” của hôn nhân nhưng chưa “đủ”. Muốn hôn nhân hạnh phúc phải nỗ lực để thích nghi. Như thế khó quá chăng? Ai trong chúng ta không biết hạnh phúc là thứ chẳng dễ tìm!

1 thought on “Yêu thôi, chưa đủ!

  1. Hạnh ph�c tưởng chừng rất đơn giản… Ko chỉ cần c� TY m� cần phải th�ng cảm, biết chấp nhận, phải v� nhau v� nổ lực để th�ch nghi… Mấy ai c� được c�i m�nh muốn, người m�nh y�u m� biết tr�n trọng g�n giữ những g� m�nh đang c�

Leave a Reply to salemCancel reply

Copyright © 2006-2024 Dr. Philip Cao. All rights reserved

Discover more from Dr. Philip Cao

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading